Xin chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ bản thân đã học hỏi từ các đồng nghiệp, từ ý tưởng ở khóa Sứ mênh người thầy của cô Khánh Ngọc và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Mong muốn được các thầy cô trao đổi và học hỏi từ các thầy cô rất nhiều!
Từ trước đến nay, tiết sinh hoạt lớp diễn ra hàng tuần ở mọi lớp học. Đây là tiết học để GVCN điều hành sinh hoạt lớp. Trong tiết học này, lâu nay chủ yếu là GVCN làm việc với HS từ đầu đến cuối tiết, HS chỉ ngồi nghe, lĩnh hội và tuân thủ, chấp hành những việc GVCN giao. Một số GV chỉ dựa vào sổ đầu bài, từ đó chăm chăm truy tìm lý do, mạt sát, đe dọa HS. Đến giờ chủ nhiệm HS chỉ thấy lo sợ, chán ghét, thậm chí còn thấy ức chế, nặng nề. Vì thế, cả thầy cô giáo và trò đều cảm thấy áp lực, nhàm chán, mệt mỏi. Bởi vậy, chúng ta cần thay đổi cách thức tiến hành giờ sinh hoạt lớp như: Trao quyền cho học sinh điều hành tiết sinh hoạt lớp; Tổ chức tiết sinh hoạt lớp thành một buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, giao lưu văn nghệ hoặc tổ chức trò chơi, tổ chức tiết sinh hoạt cho các em “lắng nghe” chính mình,… Điều quan trọng nhất là mỗi GVCN sẽ sáng tạo và đưa vào tiết sinh hoạt lớp những nội dung mới mẻ và cách thức hoạt động phù hợp nhất cho lớp mình chủ nhiệm. Mục đích của tiết sinh hoạt lớp là để để các em chủ động tự đưa ra lời đánh giá, nhận xét, nhận rõ ưu khuyết điểm của bản thân, bạn bè; bàn bạc thống nhất đưa ra kế hoạch hoạt động của lớp; thảo luận những vấn đề mà xã hội, giới trẻ quan tâm; đưa những chủ đề liên quan đến dịp kỷ niệm những ngày lễ quan trọng để tổ chức sinh hoạt văn nghệ; bồi dưỡng kỹ năng sống thông qua buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và các trò chơi. Nội dung chủ yếu là những vấn đề nóng của giới trẻ ngày nay mà xã hội quan tâm như: Suy nghĩ về tình yêu tuổi học trò, vấn đề nói chuyện riêng hay ăn quà vặt đối với HS THPT, trách nhiệm của bản thân em đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở địa phương, vấn đề chụp ảnh kỷ yếu đối với học sinh 12, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bạo lực học đường, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, nụ cười an toàn giao thông, lời cảm ơn và xin lỗi,… Hoặc đơn giản tôi cho HS xem một số trích đoạn của các bộ phim về giáo dục như: Bước ngoặt đáng nhớ, Bệnh nhân người Anh, Bậc thầy của những ước mơ, Cậu bé Karate,… hay những video truyền động lực như: Gương thầy cô giáo, Những khoảnh khắc đẹp,… Từ đó, tôi cho HS thảo luận về chi tiết em thích nhất từ bộ phim (video), bài học ý nghĩa nhất mà em rút ra được sau khi xem bộ phim (video).
Có khi tôi tổ chức tiết sinh hoạt để các em “lắng nghe chính mình”, tôi thường cho các em viết thư hoặc ghi vào tờ note gửi thầy (cô), bố (mẹ), cho chính mình hiện tại và tương lai (mấy chục năm sau này). Đó là những dòng tâm sự về cuộc sống, về những người xung quanh (bố mẹ, thầy cô, bạn bè), về những gì đang diễn ra, về ước mơ, về tương lai của bản thân, … với những chủ đề: Mưa điều ước, Thư gửi thầy /cô, Thư gửi bố / mẹ (hoặc bố mẹ), Gửi tôi ở tương lai,… GVCN sẽ là người lưu giữ những bức thư này đến mai sau hoặc cuối năm trao cho các em để các em giữ. Hoặc áp dụng phương pháp: think (nghĩ) – pair (bắt cặp)- share (chia sẻ)…tạo nên bầu không khí dân chủ, thoải mái, tích cực, đầy hứng khởi cho giờ chủ nhiệm.